Google, Facebook biết gì về chúng ta?
TTO - Dù có bỏ tiền ra thuê thám tử tư, bạn cũng không thể nào có trong tay thông tin chi tiết về một cá nhân như Facebook hoặc Google có được.
Từ năm 2010, Facebook cho phép người dùng tải một tập tin lưu trữ tất cả tương tác của họ trên mạng xã hội này. Chỉ cần vài cái click chuột, bất cứ ai cũng có thể làm được.
Bên trong tập tin nén .zip có một file gọi là index.html chứa danh mục toàn bộ thông tin cá nhân của người dùng. Tất cả mọi thứ bạn có thể liệt kê đều nằm hết trong file lưu trữ: Hồ sơ, dòng trạng thái (status), tin nhắn, bạn bè, hình ảnh, video, bình luận, sự kiện (event)…
Nên biết rằng, Facebook không bao giờ xóa thứ gì trong cơ sở dữ liệu của họ, kể cả sau khi bạn xóa trên trang cá nhân, từ những người bạn đã "nghỉ chơi" (unfriend), mối quan hệ trong quá khứ, công ty cũ, tên gọi cũ, địa chỉ cũ…
Câu hỏi là có bao nhiêu người dành thời gian ra đọc và hiểu mức độ thu thập thông tin của Facebook? Sau đây là một vài thứ đáng chú ý:
Dữ liệu hình ảnh
Khi bạn tải một tấm ảnh lên Facebook, trang này lưu lại tất cả thông tin có liên quan đến tấm ảnh đó. Tuy hiển nhiên nhưng nó chi tiết đến kinh ngạc.
Họ sẽ biết được: Hãng sản xuất camera, model, khẩu độ, tốc độ màn trập, thông số ISO, tiêu cự… và địa chỉ IP của người tải.
Dữ liệu đăng nhập
Mỗi khi bạn mở Facebook, thời gian, vị trí địa lý, địa chỉ IP, trình duyệt và thiết bị truy cập đều được ghi lại.
Nếu bạn là một trong 1,4 tỉ người dùng Facebook hàng ngày, người ta có đủ dữ liệu để truy ra sinh hoạt hàng ngày của bạn với mức độ chính xác cao: Địa chỉ nhà và công ty, thói quen đi lại, thời gian đi ngủ và thức dậy, thời gian di chuyển và điểm đến…
Nhận diện gương mặt
Mỗi lần bạn tag một ai đó trên tấm ảnh, bạn đã bổ sung vào một kho tàng dữ liệu và kiến thức người dùng khổng lồ.
Mỗi ngày, hàng tỉ người "dạy" cho thuật toán Facebook cách nhận diện gương mặt người, từ nhiều góc cạnh chụp, ở nhiều lứa tuổi và trong những điều kiện ánh sáng khác nhau.
Kết quả? Facebook từng khoe các mô hình nhận diện gương mặt của họ hoạt động với độ chính xác 98%, có thể xác định một người trong một tấm hình từ 800 triệu tấm hình chỉ trong chưa đầy 5 giây.
Thông tin liên lạc
Khi bạn cài ứng dụng Facebook trên điện thoại cá nhân, bạn trao cho nó quyền truy cập danh sách liên lạc. Một khi đã xong, Facebook giữ tất cả thông tin liên lạc của bạn mãi mãi.
Không có gì quá mờ ám ở đây, quá trình cài đặt cũng đã nói rõ, nhưng chỉ đến khi bạn thấy toàn bộ số điện thoại, email và địa chỉ của tất cả người quen (và từng quen) trên Facebook thì đó là một cảm giác… kỳ lạ.
Bên thứ ba
Nguồn thu chính của Facebook là quảng cáo, vận hành bằng cỗ máy chọn lọc đối tượng người dùng cực mạnh dành riêng cho những người bỏ tiền mua dịch vụ.
Vấn đề là, Facebook cố tình lập lờ về thông tin họ chia sẻ với bên thứ ba. Nếu nhìn vào nền tảng Facebook Business, ta có thể bắt gặp những thông tin được dùng trong quảng cáo hướng đối tượng: email, số điện thoại, tên họ, thành phố, tỉnh bang, quốc gia, ngày sinh, tuổi và giới tính.
Có lẽ nên đổi câu khẩu hiệu của Facebook từ "Mang thế giới đến gần nhau hơn" thành "Mang thế giới đến gần quảng cáo hơn!" mới chính xác.
Google hiểu gì về tâm lý con người?
Vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng lướt Facebook hoặc Instagram thường xuyên có thể khiến người ta cảm thấy chán nản và cô đơn.
Nhưng ông Seth Stephens Davidowitz - nhà khoa học dữ liệu từng làm việc cho Google khuyên mọi người không nên để mạng xã hội làm ảnh hưởng.
Ông đã dành 5 năm nghiên cứu dữ liệu tìm kiếm của Google để làm luận án tiến sĩ kinh tế và phát hiện ra nhiều sự thật thú vị. Thú vị đến nỗi ông không còn cảm thấy bất an về cuộc sống của bản thân, thay vào đó còn thông cảm hơn với người khác!
Stephens-Davidowitz tin rằng từ khóa tìm kiếm trên internet có thể tiết lộ những góc khuất bên trong tâm lý con người, bởi vì có những thứ người ta chỉ gõ vào Google và không bao giờ dám thừa nhận trong một khảo sát xã hội, hay thậm chí với chính bản thân họ.
Một số khảo sát phát hiện hoạt động quá tích cực trên mạng xã hội là một biểu hiện của sự cô đơn - ảnh: nypost
Ví dụ, Stephens-Davidowitz cho biết lệnh tìm kiếm nội dung khiêu dâm đã và đang nhiều chưa từng thấy trong lịch sử, hơn cả tìm kiếm về thời tiết trên internet, tuy nhiên chỉ một số ít người thừa nhận có xem phim sex.
"Thứ số 1 Google cho chúng ta biết đó là con người ta đang quan hệ tình dục ít ra sao" - nhà khoa học nhận định hài hước.
Và không chỉ có sex, quan điểm chính trị, sức khỏe, hạnh phúc… đều có thể rút ra từ dữ liệu tìm kiếm.
Stephens-Davidowitz nói ông bị sốc khi phát hiện ra có bao nhiêu người tìm kiếm nội dung phân biệt chủng tộc trên internet. Ông nghi ngờ có mối quan hệ trực tiếp giữa tìm kiếm phân biệt chủng tộc và sự trỗi dậy của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Rõ ràng khối dữ liệu cho thấy phân biệt chủng tộc đóng một vai trò lớn trong sự lên ngôi của ông Trump, mặc dù người ta sẽ không thừa nhận điều này" - Stephens-Davidowitz kết luận.